Đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_phản_công_Mozhaisk-Vyazma

Đánh giá

Cuộc tấn công Đông - Xuân 1942 của Phương diện quân Tây (Liên Xô) chỉ đạt được kết quả đáng kể là đẩy lùi Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) ra xa Moskva thêm 70 đến 120 km; chủ yếu ở hướng Tây và Tây Nam Moskva. Quân đội Liên Xô chiếm được vị trí có lợi bên sườn trái của Phương diện quân Tây trên khu vực Sukhinichi nhưng không còn lực lượng dự bị để giáng một đòn quyết định vào sườn phải của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) cũng như vào sau lưng cụm quân Đức đóng tại khu vực Rzhev - Vyazma. Đòn công kích Vyazma của Tập đoàn quân 33 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 cùng 5 Lữ đoàn dù đã uy hiếp hậu phương trực tiếp của các tập đoàn quân xe tăng 3 và 4, các tập đoàn quân 4 và 9 (Đức) nhưng quân Đức đã nhanh chóng bịt được các cửa đột phá, cô lập Tập đoàn quân 33, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 và các đơn vị dù Liên Xô sâu trong vùng phía sau mặt trận và sau đó, đánh thiệt hại nặng hoặc tiêu hao các đơn vị này.[36]

Sai lầm lớn nhất của Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây mà trực tiếp là của đại tướng G. K. Zhukov ở chỗ họ vẫn hy vọng vào cuộc đột kích của Tập đoàn quân 33 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 vào Vyazma sẽ làm yếu sức phòng thủ của các tập đoàn quân 4 và các tập đoàn quân xe tăng 3, 4 (Đức) trong khi các sư đoàn Đức đã rút về các vị trí phòng ngự được chuẩn bị trước không những đã đánh lùi các cuộc tấn công của trên "Phòng tuyến Koenigsberg". Các tập đoàn quân 43, 49 và 50 ở hướng trung tâm và các tập đoàn quân 5, 20, 31 ở cánh Bắc đã không hoàn thành nhiệm vụ đánh phối hợp, để quân Đức tự do điều động các lực lượng xe tăng mạnh về phòng thủ Vyazma và chỗ lồi Yukhnov. Các tập đoàn quân 10, 16 và 61 cũng không dám tiến công xa hơn do lo ngại bị hở sườn trái; đặc biệt là khi Tập đoàn quân xe tăng 2 (Đức) đã đánh lui cuộc đột kích của Tập đoàn quân 61. Sau khi cuộc công kích Vyazma thất bại, Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây (Liên Xô) đã không kịp thời rút Tập đoàn quân 33, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 và quân dù khỏi vòng vây khi mặt trận của quân đội Đức Quốc xã còn chưa ổn định dẫn đến thiệt hại lớn cho các đơn vị này.[37]

Cuối cùng, việc giao cho các phương diện quân Tây và Kalinin tổ chức chiến dịch đột kích thọc sâu nhưng lại thiếu phối hợp đã dẫn đến việc các tập đoàn quân được giao nhiệm vụ thọc sâu đã không đến được Vyazma vào cùng một thời điểm. Do đó, các sư đoàn xe tăng Đức có thể lần lượt bẻ gãy từng mũi đột kích này. Các mũi đột kích của Tập đoàn quân 39, Quân đoàn kỵ binh 11 (Phương diện quân Kalinin) cũng như của Tập đoàn quân 33 và Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 (Phương diện quân Tây) do không được yểm hộ chắc chắn từ hai bên sườn đã nhanh chóng trở thành các cuộc tấn công phiêu lưu, mạo hiểm dẫn đến những tổn thất không đáng có.[29]

Thành công đáng kể nhất của quân đội Liên Xô sau chiến dịch là cuộc phá vây thành công của Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 sau khi quân Đức tiến hành Chiến dịch Hannover nhưng không tiêu diệt được quân đoàn này. Thành công đó do sự kiên trì, chủ động và sáng tạo của tướng P. A. Belov cũng sự trợ giúp đáng kể của Quân đoàn đổ bộ đường không 4 và du kích vùng Smolensk. Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Phương diện quân Tây đã thất bại khi sử dụng Tập đoàn quân 50 tạo một cửa mở để cứu quân đoàn này. Việc Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1 thoát vây về khu vực của Tập đoàn quân 10 hoàn toàn không nằm trong dự kiến ban đầu của Bộ Tư lệnh Phương diện quân Tây (Liên Xô).[29]

Quân đội Đức Quốc xã sau khi thua một trận lớn đấu tiên trước cửa ngõ Moskva đã kịp thời được củng cố lại. Đến đầu tháng 3, mặt trận cánh Nam của Cụm tập đoàn quân Trung tâm đã ổn định trở lại. Các sư đoàn Đức được bố trí lại trên phòng tuyến mới đã bảo đảm giữ vững phòng tuyến này. Tập đoàn quân xe tăng 2 đã kiềm chế được cánh trái của Phương diện quân Tây (Liên Xô) trên hướng Sukhinichi - Kirov, không để cho "chỗ lồi" này phát triển trở thành nguy cơ đe dọa sau lưng Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Tập đoàn quân 4 và xe tăng 3 (Đức) cũng hoàn thành nhiệm vụ chặn đứng các cuộc tấn công của quân đội Liên Xô trên hướng trung tâm mặt trận, tạo ra một vùng đệm an toàn giữa tuyến mặt trận của quân đội Liên Xô với tuyến đường sắt chiến lược Rzhev - Vyazma. Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) được rảnh tay để tung vào các trận đánh đối phó với Tập đoàn quân 33, Quân đoàn kỵ binh cận vệ 1, quân dù và du kích Liên Xô ở Tây Nam Vyazma. Về chiến thuật, sau khi buộc phải lui quân trước cửa ngõ Moskva, quân Đức tập trung lực lượng để chiếm giữ các trung tâm đô thị, các đầu mối đường sắt quan trọng và các tuyến đường sắt và đường bộ chiến lược, tạo được sự liên thông sống còn giữa các cụm cứ điểm phòng thủ của Cụm tập đoàn quân Trung tâm. Quân đội Liên Xô tuy chiếm giữ được các khu rừng và đầm lầy nhưng lại lâm vào thế bị chia cắt, khó yểm hộ, hỗ trợ cho nhau. Đây là thế chiến lược bất lợi cơ bản cho quân đội Liên Xô tại khu vực Rzhev - Vyazma khi diện tích chiếm đóng không mang lại lợi thế về giao thông.[38]

Ảnh hưởng

Kết quả của chiến dịch phản công Mozhaysk-Vyazma chứng tỏ quân đội Đức Quốc xã bắt đầu quá trình thoát khỏi cuộc khủng hoảng mùa đông 1941-1942. Quân đội Đức Quốc xã giữ lại được bàn đạp quan trong trên cửa ngõ phía Tây Moskva. Mặc dù phải tiếp tục bố trí đây trên 70 sư đoàn để giữ "phòng tuyến Koenigsberg" nhưng quân đội Liên Xô cũng đã phải để lại tại khu vực Moskva nhiều tập đoàn quân quan trọng, trong đó có Tập đoàn quân xe tăng 5 mới được thành lập, được bố trí phía sau Phương diện quân Bryansk. Vì chờ đợi một cuộc tấn công tiếp theo của quân Đức vào khu vực Moskva nên kế hoạch hành động của Tập đoàn quân xe tăng 5 (Liên Xô) trong mùa hè năm 1942 là hướng Bryansk - Smolensk chứ không phải hướng Oryol - Voronezh. Do đó, quân đội Liên Xô đã lâm vào thế bị động đối phó trong mùa hè năm 1942, không thể sử dụng có hiệu quả những lực lượng dự bị mạnh để ngăn chặn cuộc tấn công ồ ạt của quân đội Đức Quốc xã trên nửa phía Nam mặt trận Xô-Đức.[39]

Thế xen cài của hai bên trên hướng Tây Moskva giữa quân đội Liên Xô và quân đội Đức Quốc xã là điều kiện để các bên tiếp tục tổ chức nhiều chiến dịch nhằm vào bên sườn của nhau. Trong khi quân đội Liên Xô tổ chức các chiến dịch cục bộ nhằm vượt qua "phòng tuyến Koenigsberg" thì quân đội Đức Quốc xã tổ chức các chiến dịch tảo thanh chống lại cuộc chiến tranh du kích trên các khu vực phía sau của Cụm tập đoàn quân Trung tâm trong khi vẫn giữ được tuyến phòng thủ cơ bản từ Rzhev qua Gzhatsk đến Bakhmutovo (thay vì Yukhnov như kế hoạch ban đầu). Giữ quan điểm của Kế hoạch Barbarossa, người Đức cho rằng, nếu không chiếm được Moskva thì họ không thể đánh bại được Liên Xô. Vì vậy, cho dù quân Đức dồn hơn 900.000 quân cùng nhiều Phương tiện chiến tranh về cánh Nam của Mặt trận Xô-Đức, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) vẫn được duy trì trong biên chế có nó hơn 500.000 quân, khoảng 1.300 xe tăng và trên 6.500 pháo, tạo thành một "khẩu súng ngắn chĩa vào trái tim của đất nước Xô Viết" (theo cách nói của Paul Joseph Göbbels).[40]

Sau chiến dịch, Quân đội Liên Xô vẫn còn giữ được chỗ lồi Sukhinichi - Kirov, uy hiếp sườn phải của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức). Khác với Phương diện quân Tây Nam, Phương diện quân Tây duy trì bàn đạp này như một mối đe dọa thường trực đối với quân Đức nhưng không mạo hiểm tổ chức tấn công mặc dù về mặt hình thế quân sự, chỗ lồi Sukhinichi khá giống với chỗ lồi Barvenkovo.

Trong và sau chiến dịch, một số tướng lĩnh chỉ huy các tập đoàn quân Liên Xô tại Phương diện quân Tây bị thay thế. Tháng 4 năm 1942, thiếu tướng I. I. Fedyuninsky chỉ huy Tập đoàn quân 5 thay trung tướng pháo binh L. A. Govorov được điều đi Phương diện quân Leningrad. Tháng 2 năm 1942, thiếu tướng V. S. Popov chỉ huy Tập đoàn quân 10 thay trung tướng F. I. Golikov được điều đi Phương diện quân Bryansk. Tháng 3 năm 1942, thiếu tướng M. A. Reyter chỉ huy Tập đoàn quân 20 thay trung tướng A. A. Vlasov được điều đi Phương diện quân Volkhov. Tháng 5 năm 1942, thượng tướng K. A. Mereskhov chỉ huy Tập đoàn quân 33 thay trung tướng M. G. Yefremov (tử trận).

Sau chiến dịch, Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) chỉ còn lại 3 quân đoàn bộ binh. Ngày 29 tháng 4 năm 1942, Tập đoàn quân này được rút về lực lượng dự bị thuộc OKH để củng cố, bổ sung quân số và trang bị lại tại Vitebsk. Ngày 2 tháng 7 năm 1942, nó được đưa vào biên chế Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) để tham gia Trận Stalingrad.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_phản_công_Mozhaisk-Vyazma http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://www.webcitation.org/66RkDZAU2 http://www.1942.ru/book/zhukov.1942.htm http://admin-smolensk.ru/our_region/geografichesko... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/db/halder/1941_12.html http://militera.lib.ru/db/halder/1942_05.html http://militera.lib.ru/h/anischenkov_shurinov/01.h...